CHUYÊN MỤC

Kỹ thuật trồng Na Thái cho quả ngon, trái sai nặng trĩu cành

Để trồng thành công và làm giàu từ giống Na Thái này bạn cần nắm vững được những kiến thức về đặc tính giống cũng như kỹ thuật trồng Na Thái thì sẽ có được những vườn Na sai quả.

Đặc điểm của giống Na Thái

Na Thái là loại cây thân gỗ nhỏ có chiều cao trung bình khoảng 3,5m có thể cao đến 5m. Cây có nguồn gốc nhiệt đới có khả năng chịu hạn và chịu rét khá tốt. Lá của loại Na Thái lớn hơn so với giống Na thường.

Na Thái lớn hơn so với giống Na thường

Na Thái lớn hơn so với giống Na thường

So với Na thường thì Na Thái cho quả to hơn và phần thịt nhiều cùng số lượng hạt trong quả cũng ít hơn Na thường. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị thơm của quả cho đến vị ngọt bùi của phần thịt quả khá hấp dẫn. Một điểm được giống Na Thái này được nhiều người làm vườn ưa chuộng đó chính là cho năng suất cao và đều qua các năm. Nếu giống Na thường một vụ đầu cho từ 20kg/cây thì Na Thái đã cho đến 26kg/cây. Những năm sau đó năng suất tăng lên đáng kể.

Do những ưu điểm kể trên mà từ khi du nhập vào Việt Nam giống Na Thái này đã trở thành một loại Na chủ lực chính giúp nhiều bà con làm giàu. Với người tiêu dùng thì đây là loại Na thơm ngon đầu bảng được nhiều người ưa chuộng.

Kỹ thuật trồng cây Na Thái

Thời vụ trồng

Ở miền Bắc, nếu trồng vào mùa xuân thì khoảng tháng 2 và tháng 3. Nếu vào mùa thu sẽ trồng vàotháng 8 và tháng 9. Còn ở miền Nam thường được trồng vào đầu mùa
mưa là tháng 4 và tháng 5.

Chuẩn bị đất trồng

Na Thái có thể trồng ở nhiều chất đất khác nhau như đất cát sỏi, đất chua hoặc đất thịt vv. Tuy nhiên theo kinh nghiệm trộng của nhiều nhà vườn thì Na Thái cho năng suất cao nhất khi trồng trên đất cao giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt. Độ pH trung bình khoảng từ 5,5-6,5 là đủ.

Hố trồng cây Na Thái cần được đào rộng và sâu khoảng 50cm. Trước khi trồng Na Thái, bà con cần bón lót vào hố khoảng 15 – 20 kg phân chuồng, 0,5 kg lân cộng thêm
0,2 kg kali rồi trộn đều chúng với đất mặn.

Khoảng cách trồng

3 x 3m hay 3 x 4m. Có thể tiến hành trồng xen vào chỗ trống trong vườn đã có các cây ăn quả lâu năm. Na Thái là giống cây ưa đất màu mỡ và thông thoáng. Đất trồng ở nơi ngập úng và nghèo dinh dưỡng cây sẽ nhanh già cỗi và hạt sẽ nhiều và ăn không ngon.

Chọn giống

Na Thái cũng được chia ra làm 2 loại đó là giống Na dai và Na bở.

  • Na bở cho quả mềm dễ vỡ múi nọ tách rời múi kia khi chín.
  • Na dai cho quả cứng hơn, các múi dính chặt vào nhau kể cả khi chín nên vận chuyển dễ dàng hơn. So về độ ngọt thì Na Thái cao hơn nhiều so với Na bở.

Tiêu chuẩn giống: Hiện Nay giống Na Thái được nhân giống bằng 2 phương pháp chính đó chính là nhân giống bằng hạt và nhân giống bằng phương pháp chiết cành

  • Phương pháp nhân giống bằng hạt cây phát triển và cho thu hoạch lâu hơn và cây con tốn nhiều công chăm sóc hơn.
  • Phương pháp ghép cho cây con giống có tính trạng 100% tính trạng của cây mẹ đồng thời khả năng chống chịu sâu bệnh và hạn giỏi hơn những cây khác. Cần chọn những cây con giống khỏe mạnh, không sâu bệnh chiều cao trên 50cm.
Chọn cây Na giống khỏe mạnh, không sâu bệnh

Chọn cây Na giống khỏe mạnh, không sâu bệnh

Cách trồng

Sau 1 tháng chuẩn bị đất trồng và chọn cây giống bạn tiến hành trồng cây. Sử dụng dao hoặc cuốc nhỏ đào một hố với kích thước bằng với kích thước của bầu đất. Nhẹ nhàng đặt cây con giống xuống dưới rồi lấp đất xung quanh cây và lèn chặt phần cổ rễ của cây. Trồng xong tưới nước cho cây luôn để duy trì độ ẩm giúp cây mau ra rễ.

Kỹ thuật chăm sóc cây Na Thái

Tưới nước

Trong 1 tháng đầu khi mới trồng cần duy trì độ ẩm để giúp cây xanh tốt và phát triển cành. Khi nào cây được 3 tháng tuổi định kì 2 đến 3 ngày tưới nước 1 lần. Chú ý thời điểm mùa khô cần tăng lượng nước tưới và mùa mưa cần thoát nước cho gốc để cây được khỏe mạnh không bị tối rễ. Chú ý cần làm sạch cỏ dại thường xuyên cho đất để không cạnh tranh nguồn dinh dưỡng với cây.

Trồng na Thái đòi hỏi phải đúng chuẩn kỹ thuật

Tưới nước cho na Thái đòi hỏi phải đúng chuẩn kỹ thuật

Bón phân

Tuỳ theo độ tuổi của cây Na mà tiến hành lượng phân bón cho phù hợp, lượng phân bón cho cây Na trong 01 năm là:

  • Với cây từ 1- 4 năm tuổi: 15-20kg phân chuồng, 0,7kg phân đạm, 0,4kg phân lân và 0,3kg kali.
  • Với cây từ 5- 8 năm tuổi: 20-25kg phân chuồng, 1,5kg phân đạm, 0,7kg phân lân và 0,6kg kali.
  • Với cây trên 8 năm tuổi: 30-40kg phân chuồng, 1,7kg phân đạm, 0,8kg phân lân và 0,8kg kali. Tiến hành bón phân vào các thời kỳ: khi cây đón hoa vào tháng 2-3, thời kỳ nuôi cành nuôi quả vào tháng 6-7, bón thúc và vun gốc vào tháng 10-11.

Sâu bệnh hại trên cây Na Thái

Bệnh thán thư, nấm

Bệnh thán thư, do nấm olletotrichum gloesporioides gây ra. Bệnh này gây hại cả trên ngọn, lá, hoa và trái. Nấm bệnh xâm nhiễm trên trái thể hiện triệu chứng đầu tiên là những đốm nâu đen trên trái, hơi ướt, sau vết bệnh lan rộng dần và khi bị nặng cả trái bị khô đen và rụng. Triệu chứng bệnh trên lá, có những đốm màu nâu. Đặc trưng của bệnh là những vòng đen đồng tâm, trên vết bệnh có những chấm đen nhỏ là các ổ bào tử. Nhiều vết bệnh liên kết nhau làm lá bị cháy khô từng mãng, ranh giới vết bệnh và phần lá còn lại có đường viền màu nâu đậm. Hoa bị bệnh có màu nâu khô, rụng hoa nhiều.

Nấm phát triển ở nhiệt độ thích hợp 23-25oC. Nấm tồn tại ở dạng bào tử trên tàn dư cây bệnh và trong đất, sau đó phát tán gây bệnh qua mưa gió. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nóng, ẩm độ cao, mưa nhiều.

Biện pháp phòng trừ

  • Không trồng mật độ quá dày: Thường xuyên vệ sinh vườn, tạo vườn cây thông thoáng; tỉa bỏ những bộ phận bị bệnh đem tiêu hủy;
  • Bón phân cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục, tránh bón thừa đạm, ngưng phun phân bón lá khi cây đang bệnh;
  • Khi bệnh xuất hiện phun các lọai thuốc gốc đồng như: Kocide, Champion 77WP (20-25g/ 8 lít nước) hoặc sử dụng Antracol 70WP (20-30g/ 8 lít nước), Carbenzim 500FL (10-15ml/ 8 lít nước), Score 250EC ( 8-10ml/ 8 lít nước ), Plant 50WP ( 15- 20g/ 8 lít nước),…Trên cây thường có nhiều cỡ trái lớn, nhỏ do đó khi phun phải chú ý thời gian cách ly để đảm bảo an tòan cho người tiêu dùng.
Sâu bệnh hại cây na Thái

Sâu bệnh hại cây na Thái

Rệp sáp phấn gây hại

Rệp sáp phấn Planococcus lilacinus thuộc họ Pseudococcidae, bộ Homoptera. Trưởng thành cái  mầu vàng, thon tròn, dài khoảng 2,5- 4,0 mm. Rệp gây hại bằng cách chích hút các bộ phận non như đọt non, hoa và trái non. Rệp thường sống tập trung mật số cao trên các chùm trái trong suốt giai đoạn của trái. Rệp chích hút làm đọt non bị thui chột, hoa và trái non dễ rụng hoặc bị chai không phát triển, phẩm chất trái bị giảm.

Biện pháp phòng trừ

Để hạn chế tác hại của rệp sáp cần áp dụng nhiều biện pháp và phải thực hiện đồng thời trên các loại cây ký chủ của rệp trong vườn:

  • Dùng máy bơm nước có áp suất cao, tia nước mạnh xoáy vào những chỗ bị rệp bám sẽ rửa trôi bớt rệp;
  • Trong điều kiện tự nhiên rệp sáp có nhiều thiên địch tấn công, phổ biến nhất là ong ký sinh thuộc giống ANagyrus và các thiên địch ăn mồi như kiến vàng, bọ rùa,…
  • Thường xuyên dọn dẹp vệ sinh vườn, không trồng mật độ quá dày để tạo thông thoáng vườn cây;
  • Phải thường xuyên kiểm tra vườn nhất là giai đoạn ra hoa, trái non để kịp thời phát hiện rệp sáp khi mật số còn thấp, chưa phát tán rộng dễ xử lý. Một số thuốc hóa học có hiệu quả trên rệp sáp như: Dầu khoáng SK, Supracide 40EC,Confidor 100SL, Pyrinex 20EC,…

Lưu ý: vì rệp sáp có lớp sáp bao phủ bên ngoài nên khi phun phải thật kỹ hoặc có thể pha thêm chất bám dính sẽ đạt hiệu quả cao.

Thu hoạch Na Thái

Sau khi trồng Na từ 18 tháng trở lên bạn đã có thể thu hoạch lứa đầu tiên. Na được thu làm nhiều đợt khi quả đã mở mắt và vỏ quả đã chuyển sang màu vàng xanh. Nên tiến hành hái quả còn một đoạn cuống và đợi khoảng vài ngày khi quả đã chín mềm là ăn được. Ở miền Bắc, mùa Na thường chín vào khoảng tháng 6 đến tháng 9. Còn ở miền Nam thì Na được thu hoạch sớm sơn so với miền Bắc.

Thu hoạch na Thái

Thu hoạch na Thái

CÁC TIN LIÊN QUAN