CHUYÊN MỤC

Sâu bệnh hại trên cây Dưa chuột và cách phòng trừ hiệu quả nhất

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến các bệnh hại trên cây Dưa chuột. Đặc biệt khi trồng cây dưa trên diện tích lớn, người trồng cần chú ý tình hình phát triển và biểu hiện bệnh của cây để có biện pháp phòng trừ, xử lý kịp thời. Dưới đây là một số phổ biến thường gặp khi trồng Dưa leo và các biện pháp phòng trừ hiệu quả, Bà con chú ý theo dõi nội dung dưới đây nhé.

Bệnh chết héo cây Dưa chuột

Triệu chứng và nguyên nhân

Bệnh chết và héo cây Dưa leo thường gặp do loại nấm Rhizoctonia solani gây hại ở giai đoạn trồng cây con, nấm bệnh khiến cây con bị héo tóp thân, rễ cây bị thối. Nguyên nhân chủ yếu do điều kiện độ ẩm cao khiến nấm sản sinh trong lòng đất, ở giai đoạn này cây con còn rất yếu nên dễ nhiễm bệnh khiến cây khó sinh trưởng tốt, thậm chí cây không thể sống được.

Cây Dưa chuột bị héo

Cây Dưa chuột bị héo

Phòng trị bệnh

Cần xử lý đất trồng thật kỹ trước khi gieo trồng cây con, có thể sử dụng các loại thuốc như Anvil, Validacin, Copper-B, Bonanza, Rovral, Hinosan hoặc Tilt super phun trên đất trồng.

Bệnh xoắn đọt Dưa chuột, lá nhỏ quăn queo

Triệu chứng và nguyên nhân

Dấu hiệu bệnh xoắn đọt Dưa leo ở phần đọt non bị xoăn lại, lá bị mất màu, lốm đốm vàng, bệnh nặng sẽ làm cho đọt cây bị sượng, cây bị chùn lại, khả năng cho trái rất ít, trái thường dị dạng và có vị đắng.

Bệnh xoắn lá ở cây dưa leo hay còn gọi bệnh khảm gây hại do các loại côn trùng chích hút như bò trĩ, bù lạch và rệp dưa. Các loại vi khuẩn thành trùng và ấu trùng rất nhỏ có màu trắng hay vàng, sống tập trung trong đọt non hay mắt dưới lá non, chích hút nhựa cây làm cho cây bị xoăn lại. Ở điều kiện thời tiết nắng thì bù lạch ẩn nấp trong rơm rạ hoặc các lá cuốn lại.

Phòng trị bệnh

Do bệnh gây hại chủ yếu vào mùa nắng nóng nên cần phải chú ý tăng lượng nước tưới cho cây, không để cây bị thiếu nước, đất khô cằn. Chú ý mật độ cây trồng không nên quá dày, cắt tỉa cuốn lá bệnh. Phun một trong số các loại thuốc như Admire 50 EC, Confidor 100 SL, Danitol 10 EC, Vertimec 1,8 ND, Oncol 20 EC, Regent 5 SC hoặc Regent 800 WP để phòng và trị bệnh.

Bệnh héo rũ, vàng lá trên Dưa chuột

Triệu chứng và nguyên nhân

Triệu chứng ban đầu của bệnh héo rũ vàng lá trên Dưa chuột là xuất hiện những vết thâm nhỏ trên dọc thân cây làm cho cây bị héo nhẹ vào thời điểm trời nắng nóng. Đặc điểm là buổi sáng và ban đêm cây vẫn tươi tốt nhưng vào lúc trưa chiều cây bị héo rũ, đây là giai đoạn cây dưa leo phát bệnh, chỉ vài ngày sau sẽ khiến lá bị héo vàng, cây dưa bị héo từng nhánh, sau đó thân cây héo đột ngột như bị thiếu nước rồi chết cả cây.

Bệnh thường gây hại nhiều từ khi cây dưa leo kín mặt giàn. Nguyên nhân chính là do thời tiết nóng ẩm, cây bị thiếu nước, đất bị ẩm thấp sinh ra loại nấm Fusarium và nấm Phytophthora gây hại từ thời kỳ ra hoa đến tượng trái.

Bệnh Dưa chuột héo rũ, héo vàng

Bệnh Dưa chuột héo rũ, héo vàng

Phòng trị bệnh

  • Chú ý đến khâu làm đất thông thoáng, lên luống cao để cây không bị ngập úng, tạo mặt đất khô ráo nhưng vẫn đủ độ ẩm cho rễ hút nước nuôi dưỡng cây. Mật độ cây trồng vừa phải, không trồng cây quá sát nhau, cắt tỉa bỏ lá già dưới gốc và những nhánh phụ để vườn dưa được thông thoáng, khô ráo.
  • Bón nhiều phân hữu cơ như phân chuồng, tro trấu, rơm rạ. Cân đối tỷ lệ bón đạm, lân và kali, không nên tưới đạm quá nhiều.
  • Trước khi trồng cây con thì nên dùng thuốc Bam, Basudin, Regent, Furadan dạng hột rải xuống gốc dưa lúc đặt bầu cây.
  • Khi phát hiện bệnh thì có thể phun hay tưới một trong các loại thuốc Appencarb supper, Aliette, Bavisan 50WP, Benzeb 70WP, Copper-B, Carban 50SC, Derosal, Rovral, Ridomil, hay Topsin-M 2 -3%o vào gốc cây. Cách sử dụng thuốc, các bạn nên đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất để phun với liều lượn và tỷ lệ phù hợp với diện tích cây trồng.

Bệnh đốm lá, đốm phấn, sương mai trên Dưa chuột

Triệu chứng và nguyên nhân

Bệnh đốm phấn trên Dưa chuột do loại nấm Pseudoperonospora cubensis gây ra, bệnh gây hại chủ yếu trên lá, ở mặt dưới lá có tơ nấm màu trắng phủ trắng như bột hoặc có màu vàng nhạt, đó là bào tử của nấm bệnh, lá đốm vàng sau 3 – 4 ngày biến thành màu nâu đen, lá cháy úa vàng và khô rụng, thân cây khô, cây trụi lá và khô chết. Bệnh gây hại nặng ở giai đoạn cây trổ hoa đến mang trái khiến cây cho năng suất thấp và chất lượng trái kém, có thể khiến cây bị chết. Bệnh thường xuất hiện từ lá già ở gốc lan lên lá non. Loại bệnh hại này thường phát triển mạnh vào thời điểm mùa mưa, độ ẩm cao, nhiệt độ thấp 18 – 20ºC.

Bệnh sương mai trên cây Dưa chuột

Bệnh sương mai trên cây Dưa chuột

Phòng trị bệnh

  • Tránh trồng dưa leo chung với các loại cây trồng như bầu, bí và các loại cây thân leo, bò khác.
  • Lên luống cao cho đất trồng để đất thoát nước.
  • Thường xuyên tỉa bỏ bớt các lá già dưới gốc và lá bệnh, tiêu hủy các cây lá bị bệnh.
  • Khi phát hiện dấu hiệu bệnh có thể dùng một số thuốc để phun Benlate-C, Curzate, Copper-B, Daconil 500 SC, Mancozeb, Ridomil, Metalaxyl Zineb hoặc Viroxyl 58 WP để tiêu diệt nấm bệnh.

Bệnh thối gốc rễ Dưa chuột

Triệu chứng và nguyên nhân

Biểu hiện đầu tiên của bệnh là ở phần thân gốc rễ Dưa chuột sát mặt đất xuất hiện chấm nhỏ màu đen, sau đó lan rộng ra rất nhanh bao bọc quanh cổ rễ khiến thân lá cây bị héo rũ. Sau khoảng 1 tuần thì rễ và gốc cây bị thối nhũng, cây đổ gục chết lụi. Bệnh thối gốc rễ do nhiều loại nấm hại gây ra như nấm Fusarium solani f.s. phasceli, Rhizoctonia solani Kuhn và Thielaviopsis,… Bệnh này phát triển mạnh trong điều kiện mưa nhiều, độ ẩm cao, mưa nhiều, nhiệt độ thấp, hoặc thời tiết nóng lạnh bất thường. Đất bị trũng ứ đọng nước.

Bệnh thối gốc rễ trên cây Dưa chuột

Bệnh thối gốc rễ trên cây Dưa chuột

Phòng trị bệnh

Chú ý kỹ trong khâu làm đất, nên xử lý đất bằng cách bón vôi, phân lân và kali 10 ngày trước khi trồng, lên luống cao cho đất, mật độ trồng cây dày vừa phải. Nếu gặp thời tiết mưa nhiều thì phải vun gốc cao để tránh đất bị đọng nước, ngập úng. Khi xuất hiện bệnh có thể dùng một trong những loại thuốc như Ridomil MZ72 WP, Rovral 50% hoặc Topsin M (50-70 WP) để phun cho cây.

Bệnh thối trái Dưa leo non

Triệu chứng và nguyên nhân

Bệnh gây hại trên lá, trái và gốc thân, vùng bị bệnh có dấu hiệu bị úng nước chuyển sang màu đen và thối nhũn. Bệnh trái Dưa leo non bị thối thường xuất hiện ở giai đoạn cây cho ra hoa và thụ phấn, bệnh tấn công ở lá, hoa và trái non, trong thời điểm 5 – 7 ngày hoa cho ra trái, bệnh gây hại khiến trái bị thối đen, trái non bị rụng hoặc bị teo lại. Bệnh nặng có thể gây thối cả rễ, làm cây chết. Bệnh thối trái non do nấm Choanephora cucurbitarum hay nấm Phytophthora sp gây ra. Bệnh gây thiệt hại nặng trong mùa mưa.

Bệnh thối trái Dưa leo (Dưa chuột) non

Bệnh thối trái Dưa leo (Dưa chuột) non

Phòng trị bệnh

Do bệnh trái Dưa chuột non bị thối gây hại chủ yếu vào mùa mưa khi nhiệt độ và độ ẩm thấp nên cần phải chú ý đến lượng nước tưới cho cây, không nên tưới nước quá nhiều khiến đất bị ngập úng. Làm đất khô thoáng, thoát nước tốt.

Nếu phát hiện dấu hiệu bệnh thì nên hạn chế tưới nước vào buổi chiều. Phun một trong số các loại thuốc như Aliette, Curzate, Manzate hoặc Ridomil lên cây 7 – 10 ngày một lần.

Trên đây là những bệnh thường gặp trên cây Dưa chuột và cách phòng trừ hiệu quả mà chúng tôi muốn chia sẻ cùng bà con. Hi vọng những thông tin trên có ích trong quá trình tìm hiểu về các loại bệnh của cây Dưa leo. Chúc bà con có một vụ mùa bội thu.

CÁC TIN LIÊN QUAN